Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Dogtooth (2009) – Nuôi con tửng dạy con điên

Dogtooth nằm trong máy cũng mấy năm rồi, từ lúc đọc được review ở trang web nước ngoài nào đó về phim. Nội dung đại ý là đẹp và điên, đúng ý quá hì hục kéo torrent ngay, nhưng cứ quay cuồng trong một đống nhạc, manga, anime, phim khác rồi quên, tình cờ đọc bài “10 bộ phim có nội dung kì quặc vượt ngoài sức tưởng tượng” thấy có Dogtooth trong list, lại moi ra xem. Lần đầu tiên xem phim Hy Lạp, xem rồi mới thấy điện ảnh nước nào cũng thú vị, cũng có cái sự đẹp và điên ẩn trong cách làm phim độc đáo của đạo diễn từng nước.


Một gia đình sống biệt lập trong căn nhà rộng lớn nơi hẻo lánh. Không ai có tên, đơn giản là Bố, Mẹ, Chị Hai, Anh Ba và Em Gái. Chỉ duy nhất có Bố hàng ngày rời khỏi nhà đi làm, Mẹ - vì biến cố nào đó trong quá khứ – không muốn bước chân ra khỏi nhà, không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, thậm chí còn hạn chế tiếp xúc với các con. Họ tự nuôi dạy ba đứa con trong môi trường khép kín hoàn toàn bằng nhiều cách kì quặc, kiểu như dạy con “biển” nghĩa là ghế sofa, “điện thoại” nghĩa là lọ muối, máy bay trên trời chỉ là mô hình đồ chơi,… Thậm chí thuê cả một cô gái đến nhà để giải quyết nhu cầu tình dục cho con trai. Họ làm tất cả để các con không biết, không tò mò và không dám bước chân ra khỏi cổng nhà. Điều quan trọng nhất mà họ luôn nhắc đi nhắc lại là: thế giới bên ngoài vô cùng nguy hiểm, không bao giờ được bước chân ra khỏi nhà trừ khi răng nanh trong miệng rụng xuống.







Dù là chủ một nhà máy lớn, đủ sức nuôi cả gia đình có đến 4 người ăn không ngồi rồi suốt mấy chục năm nhưng Bố không hề rộng rãi. Thức ăn, nước uống, thuốc men ở mức vừa đủ, hết thì lên danh sách để Bố mua về (sau khi đã cẩn thận bóc bỏ hết nhãn mác). Những thứ khác như tập, bút, vớ, bờm cài tóc… rất hiếm và quý giá, có khi là “vật phẩm” trao đổi ngầm giữa mấy chị em. Ba chị em phải ngoan ngoãn để thi thoảng nhận được những phần thưởng kì lạ khiến người xem bật ngửa như được xem video, tức là ngồi xem video quay cảnh sinh hoạt vui chơi của gia đình, lại còn là cuộn băng cũ mèm đến nỗi Em Gái có thể nhép miệng theo từng lời phát ra trong băng. Hoặc là nghe ông nội hát, tức là nghe đĩa của Frank Sinatra rồi Bố phiên dịch theo cách lệch hướng tám mươi cây số. Còn nếu hư cũng sẽ bị phạt bằng những cách kì lạ không kém, ngậm nước súc miệng là một ví dụ.







Ở gia đình này không có khái niệm về thời gian, chỉ có ngày và đêm. Ban ngày thì chơi đùa, dọn dẹp nhà cửa, ban đêm ăn tối rồi đi ngủ. Quanh quẩn ngoài vườn, hồ bơi mãi cũng chán. Em Gái hay đầu têu bày ra những trò mới như nhúng tay vào nước nóng xem ai chịu được lâu hơn, hít thuốc tê xem ai tỉnh dậy trước. Hòa thuận mãi cũng có bất đồng. Chị Hai cầm dao cắt thẳng vào tay thằng em chỉ vì tranh giành chiếc máy bay đồ chơi. Tất cả những điều này đều bình thường thôi. Nếu có gì bất thường, Bố và Mẹ sẽ làm cho nó trở nên bình thường.

Mèo con xinh xắn xuất hiện trong vườn là bất thường, Anh Ba lập tức đâm lòi ruột con mèo, cả nhà hoảng loạn. Bố và Mẹ cuống cuồng giải thích mèo là sinh vật độc ác ăn thịt người, và Em Trai – một người con hư cấu – đã bị ăn thịt do ra ngoài khi răng nanh chưa rụng. Theo lệnh Bố, cả nhà phải tập sủa như chó để đối phó với quái vật mèo. Từ đó, Em Gái lấy búa đập suýt gãy chân anh mình, xong bảo thủ phạm là một con mèo cầm búa thì người ăn tát là Anh Ba.

Christina – cô gái được thuê để thỉnh thoảng đến nhà quan hệ với Anh Ba, người duy nhất có tên trong phim (dù không biết tên thật hay giả) đã cho Chị Hai mượn 2 cuộn băng video phim nước ngoài. Đây là chuyện bất thường nghiêm trọng. Sau khi đập Christina một trận thừa sống thiếu chết kèm lời nguyền rủa sâu nặng, Bố bàn với Mẹ thay Christina bằng Chị Hai hoặc Em Gái. Một cuộc tuyển chọn cẩn thận diễn ra trong bồn tắm để Anh Ba chọn được người ưng ý nhất. Sau đó Mẹ sửa soạn cho con gái thật đẹp để lên giường với con trai. Làm sao mà tin được người ngoài? Chị em giúp nhau là phải, bình thường thôi ấy mà.








Nhưng dù có cố gắng thì cũng như bao bậc phụ huynh khác trên đời này, Bố và Mẹ không thể kiếm soát được tất cả mọi việc. Từ Christina, Chị Hai “học” được nhiều điều mới lạ, dù trớ trêu là những điều đó cũng không được bình thường hay tốt đẹp gì cho lắm nhưng quan trọng nhất, cô đã được xem băng video – thật – sự, là phim điện ảnh. Lần đầu tiên cô biết đến những từ “cá mập”, “nạn nhân” hay “đang nghe máy”, lần đầu tiên biết mỗi người đều có một cái tên, lần đầu tiên biết thế giới bên ngoài như thế nào dù chỉ hạn chế trong nội dung phim. Cô bắt đầu muốn cái răng nanh của mình mau rụng, muốn rời khỏi nhà. Nhưng răng nanh thì biết chừng nào mới rụng? Nghe là biết vô lý rồi, nhưng đối với ba chị em, đó là chân lý.






Phim là sự pha trộn giữa thuần khiết và bệnh hoạn. Những hành động kì quặc, những cảnh gây sốc diễn ra một cách chậm rãi, êm đềm. Phim đem lại nhiều cảm xúc lẫn lộn cho người xem dù bản thân nó rất ít cảm xúc và không có tình yêu. Có cảnh sex, có phim heo. Cảnh sex rất chán, giống như hai người cùng chơi một trò chơi không vui, càng chơi lại càng buồn. Ngoài sex chán và phim heo tục (chỉ vài giây) ra thì phim rất đẹp, vẻ đẹp cổ điển, tối giản mà trăm năm sau xem lại vẫn thấy đẹp. Cái đẹp chủ yếu đến từ ba chị em và bầu không khí quanh họ. Nhìn bề ngoài họ rất khó đoán tuổi, có thể mười mấy đôi mươi, có thể hơn. Họ luôn mặc quần áo đơn giản hết mức có thể, áo hai dây, áo không tay cùng quần thun mỏng, có khi mặc luôn đồ bơi. Đầu óc họ cũng đơn giản, không hồ nghi, không thắc mắc. Khuôn mặt ít biểu lộ cảm xúc, cộng thêm cách nói chuyện như trả bài làm họ giống những con búp bê người lớn. Ba chị em cả ngày vui đùa lăn lóc ngoài vườn hoặc cùng bơi trong cái hồ bơi cực rộng. Vài đoạn rất đáng yêu như lúc Anh Ba chăm chú ngắm hai bông hoa nhỏ màu vàng trong vườn rồi la lên: “Mom! I found two little zombies!”. Những cảnh đẹp nhất là lúc hai chị em trong căn phòng trắng có cửa số rộng với cây cỏ ngoài vườn xanh mơn man dưới ánh nắng dịu dàng. Da họ trắng mịn, tóc ngắn sáng màu, dáng thanh mảnh. Vẻ đẹp ngọt vừa không gắt, dịu dàng dễ chịu như một giấc mơ trưa. Căn nhà cũng vậy, sáng sủa, thoáng đãng như phản chiếu tư tưởng không hề bị giam hãm mà là được bảo vệ an toàn khỏi thế giới khủng khiếp bên ngoài.










            Kết phim lại là trong đêm tối, khi Chị Hai vô cùng hân hoan sau 3 cú đập để răng nanh văng ra, nở nụ cười rạng rỡ nhất từ trước đến nay, mạnh dạn mở cửa bước ra sân, băng ngang hồ bơi lớn có hai bụi cây to như cổng chào để tiến ra vườn. Đèn ngoài vườn vừa đủ để thấy dáng cô thật thẳng, bước đi thật dứt khoát dù máu miệng vẫn còn chảy, váy thì đỏ thẫm một vệt máu to. Cuối vườn là cổng nhà, nơi có chiếc xe hơi Bố đi làm hàng ngày. Cô mở cốp xe, chui vào nằm. Đèn cảm ứng ở cổng sáng một lát rồi tắt. Cô làm đúng như những gì bố dạy, rời khỏi nhà khi răng nanh rụng, nhưng để đảm bảo an toàn, phải ngồi xe hơi khi ra ngoài.

            Thấy cái bồn rửa tay đầy máu kèm cái răng nho nhỏ, Bố hốt hoảng phóng ra đường tìm Chị Hai. Lần đầu tiên suốt từ đầu phim, ông không dùng xe hơi khi ra ngoài trong khi trước đó, dù chỉ là nhặt cái máy bay mô hình trước cổng cho Anh Ba, ông vẫn phải ngồi lên xe, chân quyết không chạm đất cho đúng quy trình. Mẹ, Anh Ba, Em Gái không thắc mắc gì, xếp hàng tạo dáng như chó sát mép cổng, sủa vang trời để đề phòng quái vật mèo.

            Sau đêm chấn động, sáng ra Bố vẫn đi làm như bình thường, ông sắp đem về nhà một con chó. Nhà cũng sắp có thêm thành viên mới, Mẹ đã có thai đôi một trai một gái. Em Gái chắc sẽ thay Chị Hai làm nhiệm vụ ngủ với Anh Ba. Cây trong vườn vẫn xanh rờn đung đưa theo gió. Mọi việc ở thế giới tách biệt này có vẻ chỉ xáo động ít nhiều. Còn ở thế giới ngoài kia, chiếc xe hơi của Bố đậu gọn gàng trước cửa nhà máy với Chị Hai nằm trong cốp sau.

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Orphan (2009): Rước quỷ vào nhà

   Lại một mùa hè như chảo lửa cần những bộ phim có tội ác trên nền tuyết trắng tạo ảo giác lạnh lẽo xoa diu tâm hồn. 


   Vợ chồng Kate và John bề ngoài có vẻ là một gia đình hạnh phúc, sống trong căn nhà gỗ rộng lớn tuyệt đẹp, có 2 đứa con ngoan ngoãn; nhưng từ sau khi sảy thai, Kate luôn bị ám ảnh, dằn vặt, gặp ác mộng hàng đêm và đang phải khổ sở chữa trị chứng nghiện rượu. Cô quyết định xin nhận nuôi một bé gái để giải tỏa tâm lý.






   Kì cục là, cô không nhận nuôi bé sơ sinh hay vài tuổi, mà thích một bé gái 9 tuổi cơ. Con bé có cái tên lạ - Esther, cách ăn mặc lạ, cách ăn nói cũng lạ. Chẳng hiểu sao lại có thể dễ dàng cho một đứa đáng ngờ từ đầu đến chân vào nhà như thế.



   Mọi việc mới đầu rất tốt đẹp (tất nhiên!). Esther được ở nhà đẹp, có phòng riêng đẹp, cha mẹ cưng chiều, em gái nhỏ đáng yêu, chỉ có thằng anh gần tuổi hơi chướng kiểu trẻ con ganh tị. John vui vẻ, Kate an lòng, cảm thấy có thể dần bắt đầu lại cuộc sống bình thường không bị ác mộng quấy rầy hàng đêm, nhưng đâu biết là sắp được tận hưởng ác mộng đời thực.




   Đặt một đứa bé vào thế giới tội ác đã khó, chính đứa bé đó tạo ra thế giới tội ác còn khó hơn. Không cần viện cớ ma nhập, quỷ điều khiển, tuổi thơ dữ dội hay vật thí nghiệm gì cả, Esther đơn thuần là thông minh và độc ác. Cái độc đáo của Esther là ngay từ đầu nó đã không thèm giả bộ ngây thơ, rồi lúc bước được chân vào nhà cũng chẳng thèm che giấu gì, chỉ giả nai một chút trong vài tình huống, còn đa phần nó sống đúng với bản chất, cứ ăn mặc khác người, cứ vẽ những bức tranh kì lạ. Vì bề ngoài nó là một con bé 9 tuổi nên có chút kì lạ cũng không ai phàn nàn gì, nhưng dần dần nó ác thẳng tay, ác lồ lộ trước mặt mọi thành viên trong gia đình. Cầm cục đá đập chết tươi con chim bồ câu trước mặt anh trai, đẩy bạn cùng lớp ngã gãy chân trước mặt em gái, đến cả chuyện kinh khủng như giết người giấu xác nó cũng làm một cách thản nhiên như thể “Tao muốn thì tao làm. Mày biết rồi đấy, NHƯNG mày làm gì được tao?”. Esther vô cùng tự tin vì nó biết cách khai thác điểm yếu, những góc tối trong lòng từng người rồi tha hồ điều khiển họ; và ở Mỹ, dù có nghi ngờ hay nắm chắc chuyện gì đi nữa cũng chẳng người lớn tử tế nào dám đụng chạm đến một đứa bé 9 tuổi. Thông qua Esther, những mâu thuẫn ngầm trong gia đình Kate-John dần dần được hé lộ một cách tự nhiên. Esther ác nhưng phải công nhận rất khéo, tỉnh và cực kì quyết đoán để đạt được mục đích.

   Ít khi thích phim kinh dị Mỹ vì hay lạm dụng sex, bạo lực và hình ảnh khiêu dâm, Orphan có cả 3 thứ đó nhưng xem không thấy khó chịu vì liên quan trực tiếp đến Esther chứ không thô thiển nhảm nhí kiểu một cặp đôi đang quằn quại quên trời quên đất thì đùng cái bị giết.

   Phim còn pha trộn hài hòa giữa hiện đại và cổ điển. Cách ăn mặc như tiểu thư quý tộc kèm ruy băng đen ở cổ tay và cổ của Esther, căn biệt thự bao quanh là rừng cây cổ thụ ngập trong tuyết trắng, khu vui chơi trẻ em làm toàn bằng sắt và gỗ nâu đậm, thói quen đàn piano, vẽ tranh của mẹ con Kate, tuyết rơi lất phất sau khung cửa sổ… tuy là phim ở thời hiện đại nhưng mọi thứ được giữ trong một bầu không khí mang hơi hướm cổ điển đẹp và có hồn. “Mùa đông” và “cổ điển” chính là hai yếu tố cực kỳ quan trọng đem lại vẻ lạnh lùng, u ám, bí hiểm, làm nên một bộ phim kinh dị tinh tế.








(Tinh tế đến mức cả cái bồn cầu cũng ngộ nè, bệ ngồi màu đen trên nền trắng, vách xám chì, gạch xám xanh, hoàn toàn ton-sur-ton với trang phục của Esther. Săm soi để ý cái bồn cầu thì khùng thiệt, nhưng thử nghĩ nếu bồn cầu màu trắng toàn bộ nhìn sẽ hơi "hiền" và chói, nếu màu đen toàn bộ nhìn sẽ kì cục, nếu màu xám thì bị chìm, còn các màu khác thì ngớ ngẩn không liên quan, vậy mới thấy phim nước ngoài chăm chút tiểu tiết đến mức nào.)



   Chất cổ điển không chỉ ở hình ảnh phim mà còn trong cách "hù" người xem như lúc nửa đêm Esther đột nhiên xuất hiện trong phòng em gái giữa ánh chớp sấm sét, lúc Esther ra tay với đứa bạn ở khu vui chơi trẻ em, đặc biệt là đoạn bà sơ đến nhà vợ chồng Kate, nhìn trang phục, kiểu xe và khung cảnh xung quanh cứ như đang xem một bộ phim cũ, cả âm thanh dồn dập mỗi khi Esther làm chuyện ác cũng đậm chất cổ điển, thích lắm.





   Phim chơi chiêu tâm lý, không cảnh nào có "một thứ gì đó" nhảy xổ vào mặt người xem mà từ từ, chậm rãi gây hồi hộp, bức xúc lẫn lạnh người đến cuối phim. Bí ẩn giấu trong những bức tranh của Esther thật sự lạ và thú vị, làm tăng độ ngầu cho Esther. Kết thúc quen thuộc nhưng thỏa mãn, đặc biệt phần credit rất có đầu tư chứ không đơn thuần là nền đen xì chạy chữ. 

   Lần đầu xem Orphan cách đây mấy năm cảm thấy rất sợ Esther vì khả năng không từ bất cứ thủ đoạn nào để đạt được mục đích, nhưng sau khi xem lần 2, lần 3 lại cảm thấy nó rất ngầu, dám thể hiện bản chất, dám trả giá vì những điều mong muốn, và nhất là thẳng tay "xử đẹp" những đứa kiếm chuyện với nó.








   Ngoài Esther ra thì thích bé út Max nữa, lúc đóng phim chỉ mới 8 tuổi mà vào vai bị khiếm thính, từ ngây thơ đáng yêu đến lo lắng, sợ hãi khi bị uy hiếp cực kì tự nhiên, lại còn dễ thương đến mức mỗi lần xuất hiện là bừng sáng cả khung hình.