Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Notes From The Underground (2013) - Hollywood Undead


Lyric video thường là mấy cái mặt nạ đủ màu xếp hàng ngang trên nền đen, cute quá :)) 

Lion

Kill Everyone

Believe

Dead Bite

We Are

ZOO (2005) - Để sống sót, bạn có 5 sự lựa chọn


   Là phim kinh dị Nhật gồm 5 câu chuyện ngắn riêng biệt.

   Kazari và Yoko


   Kazari và Yoko là hai chị em sinh đôi sống cùng mẹ, tuy ngoại hình giống hệt nhau nhưng chỉ có một người được mẹ cưng chiều và coi như thiên thần, còn một người bị đối xử không khác gì rác rưởi trong nhà. Một ngày kia, “thiên thần” đồng ý đổi chỗ với “rác rưởi” để tránh cơn thịnh nộ chắc chắn là rất khủng khiếp của người mẹ, nhưng mọi chuyện lúc nào cũng không suôn sẻ như đã dự tính.

   Seven Rooms


   Hai chị em tỉnh dậy và phát hiện họ bị nhốt trong một căn phòng trống có cửa bằng thép khóa kín, không có gì ngoài một bóng đèn tròn, một đường nước thải nhỏ chảy ngang qua phòng, hai dĩa tròn đựng lát bánh mì và nước uống hàng ngày được đẩy vào ngay ngắn sát cửa. Nhờ em trai còn nhỏ có thể luồn qua lỗ thoát nước, họ phát hiện ra vẫn còn vài căn phòng giống hệt như vậy sát phòng họ, mỗi phòng đều nhốt một cô gái, được thay đổi thường xuyên vì thời hạn sống của từng người trong từng phòng đều đã được định sẵn.

   SO-far


   Một cậu bé có cuộc sống bình yên cùng cha mẹ. Vào một buổi tối, bỗng nhiên cha mẹ cậu không còn nhìn thấy nhau, cậu vẫn sống bình thường với hai người nhưng người này đã trở thành vô hình với người kia và ngược lại. Cả hai người đều giải thích với cậu bé là đã có một vụ tai nạn xảy ra, nhưng ai cũng nói là người kia đã chết, chỉ có mình còn sống sót.

   Hidamari no Shi


   Phim hoạt hình ngắn về cô gái người máy được một người đàn ông tạo ra. Hai người sống cùng nhau trong một thế giới hoang vắng và thanh bình. Cô gái người máy học hỏi và nhận ra nhiều điều từ sinh hoạt hàng ngày, sự đẹp đẽ của cuộc sống tới cái chết và thân thế thật sự của người đàn ông.

   ZOO


   Một người đàn ông có sở thích chụp hình bạn gái của mình bằng máy chụp ảnh lấy liền, trong khi cô gái thì rất ghét bị chụp hình. Trong lúc tức giận, anh ta đã giết cô gái, và lại tiếp tục chụp hình xác cô hàng ngày. Mỗi ngày một tấm ảnh, từ lúc xác còn nguyên cho tới lúc thối rữa dần đi.

   ZOO là một phim kinh dị không có cảnh chém giết đập vào mắt người xem, không có ma nữ áo trắng tóc dài vờn qua vờn lại, cũng không nhiều máu me nhưng lúc xem vẫn có cảm giác hoang mang, hồi hộp và rùng rợn. 

   Mới xem “Kazari và Yoko” một đoạn đã đoán được một phần kết thúc, nhưng nó vẫn là một phim hay, nhân vật người mẹ là điểm gây sợ trong phim, tuy trong hai đứa con sinh đôi bà ta cưng chiều một đứa, ghét bỏ một đứa nhưng có vẻ bà ta không thật sự yêu thương đứa nào hết, chỉ là với một đứa bà ta dùng để thể hiện hình ảnh người mẹ mẫu mực, còn đứa kia để bà ta dùng để giải tỏa hết mọi bức xúc trong cuộc sống.

   “Seven Rooms” là phim ngắn hay nhất trong ZOO. Nội dung phim chỉ diễn ra trong các căn phòng giống hệt nhau, cảnh phim cũng chỉ có hai chị em, đường thoát nước, vài cô gái bị nhốt trong các phòng khác, vậy mà có cảm giác bị dồn ép, hồi hộp căng thẳng dễ sợ, nhất là những lúc hai chị em chăm chú nhìn xuống đường thoát nước, chờ xem dấu hiệu thông báo “đã có người bị giết”. Tên giết người chắc là thích thú khi nhìn ngắm quá trình chờ chết của từng cô gái, mỗi người đều có phản ứng khác nhau, người thì lo lắng sợ hãi, người thì như phát điên phát dại, nhưng có người lại vui vẻ chăm chút móng tay… Kết thúc phim không phải là bi kịch nhưng buồn quá, nhìn cảnh thằng bé sờ lên thanh sắt chặn cửa, muốn mở nhưng không thể mở mà thương đứt ruột. Một phim ngắn mà hoàn chỉnh.

   Xem “SO-far” xong chỉ có suy nghĩ là “người lớn mà làm chuyện xàm” và thấy tội nghiệp thằng nhỏ. Nhìn ông bố và bà mẹ thấy quái đản thiệt, ai cũng ra sức nhồi nhét vào đầu thằng nhỏ suy nghĩ “Ba (mẹ) chết rồi, ba (mẹ) mà con nhìn thấy là ma đó” nhưng cả hai người đều vô hồn phát sợ. Cảnh phim lúc ông bố rủ thằng con ra ngoài ăn, nó quay lại nhìn thấy mẹ mình đang ngồi đọc báo nên hỏi “Còn mẹ thì sao ạ?” nhưng ông bố chỉ nhăn mặt nhìn nó, kéo nó ra cửa và gạt nút tắt đèn, bà mẹ vẫn giữ nguyên tư thế ngồi đọc báo như tượng trong lúc đèn phụt tắt, cả phòng tối om làm mình thấy lành lạnh. Lúc đó vẫn chưa biết bà mẹ có phải là hồn ma hay không, nhưng cách cư xử của ông bố và tư thế cứng ngắc kì lạ của bà mẹ làm người ta có cảm giác bà ta chính là một hồn ma. :-S

   “Hidamari no Shi” không có gì để sợ, nhẹ nhàng, thanh bình và yên ả đúng như tên phim “Poem Of The Gathering Sunlight”. Đồ họa còn cứng, chưa mượt, giống bản nháp nhưng tạo hình của anh vai chính đúng kiểu mình thích (trừ cái đầu chải 5-5).

   Phim cuối cùng “ZOO” u ám, khó hiểu, cả cái màu phim cũng kì, xanh tái và đầy hột như tivi đời cũ. Nó không giống một bộ phim, không đầu không đuôi, xem hết vẫn khó hiểu, chỉ thấy 2 nhân vật chính nói năng và hành động kì quặc, đặc biệt là người phụ nữ, chỉ cần thấy cô ta mặc áo đỏ, đi lang thang trong sở thú bỏ hoang lúc trời đang sụp tối là đã có cảm giác ghê ghê. Những tấm hình chụp lấy liền của người đàn ông nữa, thiệt bệnh hoạn. Trước giờ mình vẫn thấy máy chụp hình lấy liền đẹp, tấm hình chụp ra nhỏ nhỏ, có đường viền trắng cũng đẹp, nhưng màu của tấm hình cứ ma quái làm sao đó.

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Moonrise Kingdom (2012) - Phim đẹp nhứt năm 2012!



    Mùa hè năm 1965 trên đảo New Penzance.

   Suzy 12 tuổi, bề ngoài nữ tính nhưng có cặp mắt sắc lẻm nhìn như muốn đục một lỗ vào mặt người đối diện, luôn kè kè theo bên mình cái ống nhòm.


   Sam 12 tuổi, đeo kính cận, mặt tròn vo búng ra một tấn sữa, ăn mặc nghiêm chỉnh đầy đủ phục trang của một hướng đạo sinh.


   Hai đứa chỉ mới gặp nhau một lần nhưng thư từ qua lại thường xuyên, tâm sự này nọ sau đó hẹn nhau bỏ trốn vào một ngày đẹp trời, trên cánh đồng cỏ bát ngát.


   Con nít bỏ trốn tất nhiên người lớn phải đi tìm. Đội ngũ tìm kiếm gồm có chú cảnh sát đảo, gia đình Suzy và đội hướng đạo của Sam.

   Lý do hai đứa bỏ trốn là lý do muôn thuở của các em trai em gái tuổi mới lớn: ba mẹ không quan tâm, bạn bè không gần gũi. Nghe có vẻ quen thuộc, xưa lắc và buồn ngủ nhưng phim lại rất thú vị. Sự cô đơn, không khí gia đình lạnh lẽo được diễn tả nhẹ nhàng, hài hước mà không cần làm ra vẻ nghiêm trọng, như nhà Suzy đẹp đẽ sơn màu đỏ tươi nhưng bên trong nhà mỗi người một góc, tới bữa ăn bà mẹ phải bắt loa kêu vì không biết mọi người đang ở đâu trong nhà. Hành động và tâm lý của tuổi mới lớn cũng được bằng chính sự ngây thơ đơn giản của tuổi mới lớn, có khi tưng tửng không đầu không đuôi, như đoạn Sam nói chuyện với thằng bạn chung trại hướng đạo:

   - Sao mày không thích tao?
   - Sao tao phải thích mày? Có ai thích mày đâu?

   Đúng là con nít, nhiều khi không ghét nhưng vẫn làm theo số đông vì sợ bị ghét. :))

   Càng xem càng thích Sam, thằng nhỏ tuy mồ côi và mới 12 tuổi nhưng rất tự lập và nghiêm túc. Nó gây ra vài rắc rối khi ở với ba mẹ nuôi, nhưng con người ai mà không có lúc sai cái này cái kia nói gì là con nít, vậy mà hết người này tới người kia bỏ rơi nó, đẩy nó từ gia đình này qua gia đình khác, rốt cuộc nó bị coi là đứa “có tiền sự”, cần điều trị bằng phương pháp sốc điện. Ai cũng như đang tìm cách giải quyết cho xong một thứ gì đó mà không dành cho thằng nhỏ chút xíu tình thương, tuy vậy nó vẫn không có suy nghĩ kiểu “hận đời hận người”, rất dễ thương và biết nhường nhịn.

   Suzy thì đúng là một dạng rối loạn tâm lý tuổi dậy thì, nhìn đâu cũng thấy chướng, nghĩ ai cũng chống đối mình, thừa vật chất, cần được quan tâm một cách khéo léo (vì tính khí hung hăng nhưng lại ghét người ta nghĩ mình là một đứa có vấn đề) và hơi ích kỷ.

   Tình cảm của Sam và Suzy cũng rất dễ thương, dù là hai đứa bắt chước người lớn làm đủ trò nhưng vẫn lồ lộ sự ngây thơ của con nít: bật nhạc nhảy nhót trên bãi biển nhưng nhảy xàm nhảy xí, không theo điệu nào, tập hôn kiểu Pháp nhưng đang hôn thì phun cái phèo vì miệng có cát, đang ngồi tâm sự nghiêm chỉnh thì lại nhắc “có thể tớ sẽ đái dầm đấy, ý tớ là lát nữa” :))


   Ngoài nội dung dễ thương và hài hước ra thì Moonrise Kingdom xứng đáng được 10/10 điểm đẹp, màu sắc, trang phục, phụ kiện, cách trang trí, góc máy quay… tất cả đều đẹp tới từng giây, lại còn mang phong cách vintage, chụp lại bất cứ hình ảnh nào từ phim cũng có thể làm thành postcard. 











   Nhìn Sam thấy cưng quá, muốn bắt về nuôi ghê.



   
   Tạo hình của Sam và Suzy đặc trưng và khó quên, hễ nhắc tới Sam là nghĩ tới một thằng nhỏ mặc đồ hướng đạo, đeo kính cận; còn Suzy là con nhỏ mặc váy hồng cổ Peter Pan, trên cổ treo tòn ten một cái ống nhòm.

 
   Áo khoác hồng Suzy mặc lúc hai đứa làm đám cưới cũng đẹp lắm.


   Trên mạng dân tình đua nhau cosplay Sam và Suzy :))




2 bé thấy cưng quá :x

Cái váy hồng này giống trong phim ghê, đẹp dễ sợ :x

   Vài chuyện linh tinh:

   Kara Hayward vai Suzy giống Emma Watson.
   Bruce Willis vai cảnh sát trưởng của đảo, mà sao cứ như phá không khí phim, tại nhìn mặt ổng là nhớ ổng đóng phim hành động ầm ầm rần rần, giờ vô phim đẹp thơ mộng, vintage như vầy nhìn không quen mắt gì hết.
   Tilda Swinton vai nhân viên xã hội đòi sốc điện Sam thì quá hợp rồi, chuyên gia vào vai ác với con nít mà.

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Seeking a Friend for the End of the World (2012) - Thế giới trước ngày tận thế

   
   Download phim này lâu rồi mà giờ mới coi, vì nhìn sơ sơ thấy chú diễn viên chính mặt rầu quá, cứ như là không cần đợi tận thế, chú đã tận thế sẵn từ triệu năm trước rồi.

   Phim có 3 phần theo cảm xúc của mình: phần đầu vui, phần giữa buồn ngủ, phần cuối mắc quạu.

   Mở đầu phim khá hài. Ngay khi có bản tin thời sự là nhân loại còn đúng 3 tuần nữa để sống, toàn thế giới lập tức đảo lộn, một thế giới mới đã xuất hiện: thế giới trước ngày tận thế.



   Dodge có một cuộc sống trật tự, ngăn nắp, mọi thứ đều theo quy tắc, có vẻ nhàm chán và có khi mệt mỏi nhưng anh đã quen với cuộc sống như vậy rồi. Bởi vậy mà tự nhiên phải sống trong cái thế giới “tiền tận thế”, Dodge thấy lạ lẫm và hoang mang.

   Dodge là nhân viên bán bảo hiểm, công việc mà bình thường phải lịch sự, vất vả thuyết phục khách hàng, cạnh tranh doanh số… giờ thì được phép mặc đồ gì đi làm cũng được, chức CFO cho không cũng không ai thèm nhận. Trong khi đó những người bạn của anh – thuộc dạng trung niên, có địa vị và tài sản thì quyết định ăn chơi thác loạn cho đã đời. Sex không an toàn, rượu bia vô độ, thuốc phiện… cái gì trước giờ hạn chế, không dám làm thì bây giờ quất hết, con nít muốn uống rượu cũng cho luôn. Ngoài đường đầy người đập phá, đốt bỏ, bắn giết nhau, mở tivi xem thì nhân viên đài truyền hình bỏ đi ngay trước máy quay. Sắp tới tận thế rồi còn sợ gì nữa?




   Mọi người có vẻ điên loạn nhưng ít ra họ còn có cái để làm, còn Dodge không biết phải làm gì cả, gia đình thì đã cắt đứt liên lạc từ lâu còn vợ thì mới nghe tin tận thế đã bỏ đi, những việc ngày thường vẫn làm giờ không cần làm nữa. Đang vật vờ như vậy bỗng nhiên có người bỏ một con chó kế bên anh, và cô hàng xóm tầng dưới chưa từng nói chuyện thì chồm qua cửa sổ khóc lóc kể lể.



   Cô hàng xóm còn trẻ, tên là Penny, tính tình thoải mái và hơi kì cục, đang tha thiết muốn ở bên gia đình trong những ngày còn lại nhưng đã lỡ mất chuyến bay cuối cùng. Nhân tiện có dịp nói chuyện với Dodge, cô đưa cho anh một xấp thư bưu điện gửi nhầm qua phòng cô, nhờ đó Dodge phát hiện thư của người yêu đầu đời viết rằng cô đã ly dị, còn nhớ và yêu anh.

   Rồi một cuộc bạo loạn lớn nổ ra, Dodge hứa dẫn Penny đến chỗ một người có máy bay riêng để cô lái xe đưa anh thoát khỏi những người đang điên cuồng bắn phá. Trên đường đi, Dodge cũng quyết định được việc cuối cùng mình muốn làm là tìm gặp người yêu cũ. Vậy là Dodge dắt theo con chó, Penny ôm theo mớ đĩa than cùng lên đường thực hiện mục đích của hai người.


   Theo đúng bài của một bộ phim thể loại tình cảm, lãng mạn nên phần giữa phim chủ yếu là chàng và nàng dung dăng dung dẻ bên nhau, có gặp người này người kia, cảnh này cảnh nọ nhưng chủ yếu là xao xuyến vì nhau rồi giao lưu tìm hiểu nhau cho thêm phần tình cảm, bởi vậy mà hơi buồn ngủ.







   Xem tới khúc cuối thì mình thấy bực bội, hết phim thì thấy tức tức. Penny lúc đầu khóc lóc đòi gặp gia đình cho bằng được, không muốn lãng phí giờ phút bên gia đình vì mấy thằng đàn ông nữa, không muốn gặp người nhà trong cảnh giới thiệu bạn trai nữa… Nhưng tới lúc chắc chắn sẽ gặp được gia đình thì lại bỏ cái một, cũng lại cái lý do “vì trai”.

   Dodge cũng vậy, sắp tận thế mới gặp được ba sau 25 năm cắt đứt liên lạc, sau chừng đó năm mới nói chuyện hòa thuận với ba, nhưng đưa Penny lên máy bay về với gia đình xong là bỏ đi luôn, coi như là xong nhiệm vụ.

   Nhưng kết thúc vậy cũng phải, tựa phim là “Seeking a friend for the end of the world” mà :)) lại còn là thể loại tình cảm, lãng mạn nữa chứ.

   Trong phim có một nhân vật xuất hiện chỉ vài cảnh nhưng mình rất thích là bà giúp việc của Dodge. Dù sắp tận thế, dù thế giới có thay đổi đảo điên thế nào thì bà vẫn sống như bình thường, vẫn tới nhà Dodge dọn dẹp đúng ngày, đúng giờ, không muốn thay đổi bất cứ thứ gì trong cuộc sống của mình. Dodge đã bực mình kêu bà nghỉ việc đi. Đúng quá rồi, tận thế rồi sao còn phải đi dọn dẹp nhà người ta làm chi nữa? Nhưng bà là mẫu người hạnh phúc với cuộc sống và công việc của mình, có thể không đầy đủ, sung sướng bằng người khác nhưng bà hài lòng với cuộc sống này nên có gì xảy ra đi nữa bà vẫn sống đúng với con người mình.

   
   Hình tượng của Keira Knightley trong phim này rất dễ thương: tóc ngắn, váy xòe tím nhạt, áo khoác kaki xanh bộ đội và giày bata đen, hay ôm đống đĩa than mà cái ngoài cùng có màu vàng. Chú Steve Carell rầu rầu thì mặc áo thun cá sấu đỏ bầm (không chắc lắm, cái màu thiệt khó tả), áo len họa tiết quả trám xám, áo khoác thể thao đen, cũng mang giày bata đen, tay dắt con chó xù.


    Đầu phim Keira còn khoác cái khăn choàng bằng sợi móc hoa văn như kiểu “mền của bà hồi xưa”.